Thứ sáu, 14/07/2023
Dự kiến dành hơn 1.000 tỷ đồng để sáp nhập 1.360 huyện, xã
Dự kiến ngân sách trung ương hỗ trợ một lần khoảng 1.323 tỷ đồng cho khoảng 33 huyện và 1.327 xã thuộc diện bắt buộc sáp nhập giai đoạn 2023 – 2025. Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 12/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.
Một trong những nội dung cơ bản tại dự thảo Nghị quyết là kinh phí thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính, dự thảo Nghị quyết quy định kinh phí thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do ngân sách địa phương bảo đảm; đồng thời ngân sách trung ương hỗ trợ một lần cho các địa phương nhận bổ sung cân đối với định mức 20 tỷ đồng cho mỗi ĐVHC cấp huyện giảm và 500 triệu đồng cho mỗi ĐVHC cấp xã giảm khi được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc thực hiện sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 - 2030.
"Định mức hỗ trợ nêu trên đã được Bộ Tài chính cân đối trên cơ sở tính toán số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã dự kiến sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2030 bảo đảm phù hợp với khả năng của ngân sách trung ương trong điều kiện hiện nay" - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.
Cụ thể, theo số liệu báo cáo của 63 địa phương, trong giai đoạn 2023 - 2025 dự kiến sẽ tiến hành sắp xếp đối với khoảng 33 ĐVHC cấp huyện và khoảng 1.327 ĐVHC cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp (chưa tính số ĐVHC thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu). Với mức hỗ trợ 20 tỷ đồng/huyện và 0,5 tỷ đồng/xã thì ngân sách trung ương hỗ trợ một lần khoảng 1.323 tỷ đồng.
Nêu quan điểm về việc hỗ trợ tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, theo Kết luận số 48-KL/TW, ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, trong đó yêu cầu quy định rõ mức hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản cho các địa phương để phục vụ sắp xếp đơn vị hành chính, nhưng quy định như dự thảo nghị quyết chỉ quy định hỗ trợ một lần cho các địa phương bổ sung cân đối ngân sách; chưa quy định rõ sử dụng như thế nào, chi thường xuyên hay chi đầu tư, chi chế độ chính sách cho lao động dôi dư, chi đầu tư xây dựng cơ bản.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, trên thực tế các địa phương có sự khác biệt về mức độ, nhu cầu trong việc chi cho sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, nếu thực hiện đúng theo tinh thần của Kết luận số 48-KL/TW, thì khoản hỗ trợ này là hỗ trợ cho đầu tư xây dựng cơ bản, tức là hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương.
Ngoài ra, dự thảo quy định mức hỗ trợ tối đa là 20 tỷ đồng cho mỗi ĐVHC cấp huyện giảm và 500 triệu đồng cho mỗi ĐVHC cấp xã giảm. Theo Luật Ngân sách nhà nước, UBTVQH không có thẩm quyền quyết định hỗ trợ một lần cho các đơn vị mà thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ nghiên cứu về quy định này theo hướng chỉ đưa mức chi tối đa; còn quá trình xây dựng dự toán hàng năm, Quốc hội quyết định bổ sung mức cụ thể trên cơ sở tổng mức hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho từng địa phương…
"Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị quy định theo hướng: ngân sách trung ương hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách với mức hỗ trợ tối đa không quá 20 tỷ đồng cho mỗi ĐVHC cấp huyện giảm và tối đa không quá 500 triệu đồng cho mỗi ĐVHC cấp xã giảm để đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ việc sắp xếp ĐVHC. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách khi có nhu cầu hỗ trợ từ ngân sách trung ương sẽ lập dự toán và thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chuẩn, định mức hỗ trợ kèm căn cứ để các địa phương lập dự toán" - Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị rõ trong báo cáo phối hợp thẩm tra dự thảo Nghị quyết.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu |
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban này thấy rằng, việc quy định ngân sách trung ương hỗ trợ một lần cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách là cần thiết, phù hợp với Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị nhằm khuyến khích, tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện sắp xếp ĐVHC. Đây là khoản bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương cho các địa phương nhận bổ sung cân đối ngân sách. Việc phân bổ, quản lý, sử dụng và thực hiện thanh quyết toán đối với số bổ sung này nên phân cấp cho chính quyền địa phương cấp tỉnh chủ động quyết định theo quy định của pháp luật để phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu sắp xếp ĐVHC ở từng địa phương.
Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách để chỉnh lý quy định của dự thảo Nghị quyết về khoản hỗ trợ một lần từ ngân sách trung ương cho các địa phương để sử dụng trong thực hiện sắp xếp ĐVHC theo nguyên tắc bảo đảm tính khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và tạo thuận lợi nhất cho địa phương; nội dung nào không tiếp thu thì cần có giải trình cụ thể./.
Theo dangcongsan.vn
Dữ liệu đang được cập nhật
Trực tuyến: 17
Hôm nay: 89
Hôm qua: 28