Thứ ba, 04/07/2023
Các đại biểu dự hội nghị.
Dự hội nghị, đại biểu Trung ương và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam...
Cùng dự có ông Firmin Edouard Matoko, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về ưu tiên châu Phi và quan hệ đối ngoại; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương; các đại sứ, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, Ban thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố có di sản...
Dự hội nghị về phía tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và đại biểu các xã trong vùng di sản Tràng An.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chào mừng tại hội nghị.
Phát biểu chào mừng tại hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Ninh Bình là nơi duy nhất ở Việt Nam sở hữu danh hiệu "kép" của UNESCO: Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Nhờ sở hữu những giá trị riêng có về địa lý, sinh thái và nhân văn, lại nằm ở vị trí yết hầu cực Nam khu vực miền Bắc, là điểm kết nối, giao thoa, chuyển tiếp liên vùng giữa vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, vùng rừng núi Tây Bắc và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, rộng hơn là giữa các vùng cả nước, đã tạo cho Ninh Bình nguồn tài nguyên văn hóa, sinh thái phong phú, độc đáo và "gánh vác" những sứ mệnh lịch sử đặc biệt trong tiến trình dựng nước và giữ nước.
Hơn 30 ngàn năm trước, Ninh Bình là nơi được người tiền sử chọn làm địa bàn tụ cư, sinh sống. Thế kỷ thứ X, Hoa Lư được chọn làm quốc đô của Nhà nước Đại Cồ Việt sau khi Đinh Bộ Lĩnh dấy nghiệp, thống nhất giang sơn, mở xưng Hoàng đế, lập nên Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc; nơi vua Lê Đại Hành khởi phát các quyết định lịch sử chống xâm lược Tống, giữ vững nền độc lập dân tộc, tăng cường quốc lực, xây dựng và phát triển quốc gia, dân tộc hưng thịnh, tạo tiền đề cho sự phát triển rực rỡ của các thể chế nhà nước phong kiến Việt Nam trong các giai đoạn tiếp sau.
Đến nay, nơi đây còn lưu giữ được đậm đặc trầm tích lịch sử và dấu ấn văn hóa đặc sắc, cùng vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc tự nhiên đã tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào năm 2014. Bên cạnh đó, Ninh Bình là một trong những nơi lưu truyền và phát triển di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Nghi thức Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Tiết mục văn nghệ chào mừng hội nghị.
Cùng với những giá trị đã được UNESCO vinh danh, cư dân Ninh Bình qua nhiều thế hệ đã sáng tạo, lưu truyền, lan tỏa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc với diên cách và cốt cách riêng có. Đó là gần 2.000 di sản văn hóa vật thể và gần 500 di sản văn hóa phi vật thể phản ánh tương đối toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người Ninh Bình nói riêng, người Việt Nam nói chung từ cổ chí kim, từ truyền thống đến hiện đại.
Nhận thức rõ những giá trị đó là nguồn lực và động lực cho sự phát triển bền vững; cùng với tiến trình đổi mới của đất nước, sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, với những quyết sách và bước đi đúng đắn, phù hợp, quyết tâm kiên định thực hiện những đột phá chiến lược theo hướng phát triển "Xanh và Bền vững", kinh tế tỉnh Ninh Bình những năm qua đã vươn lên, phát triển hài hòa trên 3 lĩnh vực: Nông nghiệp - Công nghiệp và Dịch vụ, nhất là ngành Du lịch phát triển mạnh mẽ và đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Từ năm 2022 Ninh Bình đã trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương là 9%. Đặc biệt là đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị toàn cầu của Di sản Thế giới, kết hợp hài hòa giữa việc gìn giữ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển kinh tế du lịch, đảm bảo lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Ninh Bình được Tổng Giám đốc UNESCO ghi nhận, đánh giá cao tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, tổ chức tại tỉnh Ninh Bình vào tháng 9/2022.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc cũng cho rằng, việc phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đồng chủ trì tổ chức hội nghị quốc tế "Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam" là vinh dự và là dịp để tỉnh Ninh Bình giới thiệu về vùng đất giàu giá trị văn hóa, tự nhiên và truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô. Đây cũng là cơ hội để Ninh Bình và các tỉnh có di sản thế giới nói riêng, các đối tác toàn cầu nói chung đẩy mạnh trao đổi, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và tầm nhìn chung về thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO.
Từ những kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên thế giới và các địa phương tại Việt Nam, cùng với việc nghiên cứu Nghị quyết số 54 ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nhất là những thành tựu, kinh nghiệm và thực tiễn của tỉnh Ninh Bình, nơi có Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới với giá trị đặc sắc, tiêu biểu toàn cầu, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch nằm trọn trong Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tỉnh Ninh Bình mong rằng, hội nghị là "không gian mở" cho thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tầm nhìn đối với vấn đề phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.
Đặc biệt, Ninh Bình mong được các chuyên gia, bạn bè, đối tác chia sẻ những kinh nghiệm và tầm nhìn về kiến tạo thể chế đặc thù cho quản lý và phát triển đô thị di sản được UNESCO vinh danh; cơ chế đặc thù giải phóng và huy động các nguồn lực cho bảo tồn và phát triển di sản; các phương thức đô thị hóa và phân loại đô thị, phù hợp chức năng đô thị di sản sở hữu danh hiệu của UNESCO, tránh được áp lực của mô hình "đô thị nén" gây xung đột với yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; sáng tạo nên mô hình cư trú và sinh kế chuyển đổi phù hợp cho cư dân trong các đô thị di sản hướng vào giải quyết tốt cả mục tiêu bảo tồn và mục tiêu phát triển; mở rộng cơ hội hợp tác và thúc đẩy kết nối giữa các đô thị di sản mà UNESCO đã vinh danh.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo các ban, ngành Trung ương; Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO, phụ trách khu vực châu Phi và quan hệ đối ngoại của UNESCO; Tổ chức UNESCO, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Đại sứ quán các nước thành viên UNESCO tại Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh, thành phố, cùng các nhà khoa học, doanh nghiệp đã quan tâm, giúp đỡ tỉnh Ninh Bình được đăng cai tổ chức và đến dự sự kiện quan trọng này tại Ninh Bình, góp phần lan tỏa và tạo động lực để tỉnh tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh, của đất nước, đóng góp vào công cuộc bảo tồn các giá trị di sản quan trọng của thế giới, của nhân loại.
Đồng chí Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
Cùng phát biểu tại Hội nghị quốc tế "Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam", đồng chí Hà Kim Ngọc và ông Firmin Edouard Matoko, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về ưu tiên châu Phi và quan hệ đối ngoại cho rằng, Quần thể Danh thắng Tràng An - một di sản văn hóa và thiên nhiên có sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững với bảo tồn thiên nhiên, gắn kết vai trò của phụ nữ vào di sản, tìm ra sinh kế cho người dân từ di sản.
Ông Firmin Edouard Matoko, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về ưu tiên châu Phi và quan hệ đối ngoại phát biểu tại hội nghị.
Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các danh hiệu UNESCO là cấu thành quan trọng, hình thành thương hiệu mỗi địa phương và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế, mô hình tăng trưởng xanh. Hội nghị quốc tế "Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam" có ý nghĩa quan trọng và được lãnh đạo Tổ chức UNESCO đánh giá cao như một sáng kiến đầu tiên trên thế giới bao quát tất cả các danh hiệu UNESCO tại một quốc gia, thể hiện sự coi trọng và cam kết của Việt Nam đối với UNESCO trong bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa, thúc đẩy giáo dục và khoa học ở các tầng nấc khác nhau.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm đã trở thành mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đã xác định phát triển bền vững trên cơ sở lấy văn hóa làm nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội nghị.
Trong suốt 47 năm kể từ khi chính thức là thành viên của UNESCO từ năm 1976, người Việt Nam đã phát huy tâm thế và mang nhận thức đó vào trong tất cả các hoạt động, hợp tác với các đối tác, nhất là với UNESCO. Quan hệ Việt Nam - UNESCO là hình mẫu tốt về hợp tác hiệu quả, ở đó Việt Nam-UNESCO là những người bạn cùng chí hướng, chung tầm nhìn và đều rất kiên trì, bền bỉ trong thực hiện các cam kết. Trong giai đoạn 2021- 2025, hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO tiếp tục được củng cố thông qua việc hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ, tạo cơ sở vững chắc hơn nữa trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, qua đó tiếp tục đóng góp cho các chiến lược phát triển quốc gia, cũng như các chiến lược phát triển của địa phương.
Việc tổ chức hội nghị quốc tế "Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam" thể hiện sự đồng hành một cách tích cực nhất về trách nhiệm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên được UNESCO ghi danh vì sự phát triển bền vững theo quan điểm của UNESCO, đó là đảm bảo sự phát triển nhằm thỏa mãn các nhu cầu hiện tại của con người nhưng không tổn hại tới sự thỏa mãn các nhu cầu của thế hệ tương lai.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận 3 phiên chuyên đề trọng tâm gồm: Thực tiễn về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững và Giải pháp huy động nguồn lực trong bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững. Cùng với đó là các chương trình tham quan thực địa tại khu du lịch sinh thái Tràng An, phố cổ Hoa Lư; các đại biểu cùng gặp gỡ, trò chuyện với cộng đồng cư dân địa phương.
Hội nghị quốc tế "Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam" nhằm tổng kết, đánh giá thực tiễn bảo tồn và phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam; chia sẻ, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về bảo tồn và phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững; đề xuất giải pháp huy động nguồn lực và sự tham gia của người dân; đưa ra các khuyến nghị bảo tồn và phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.
Qua đó khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới là một đất nước nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu xã hội, đảm bảo việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa - thiên nhiên và giá trị truyền thống vì sự phát triển bền vững.
Hội nghị quốc tế "Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam" diễn ra trong 2 ngày (từ ngày 3 đến ngày 4/7).
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Dữ liệu đang được cập nhật
Trực tuyến: 32
Hôm nay: 164
Hôm qua: 28